Xã hội cần có một cái nhìn công bằng, khách quan về giá trị thực sự của chứng chỉ IELTS thay vì phóng đại lợi ích hay phủ nhận những lợi ích mà chứng chỉ này mang lại cho người học.
Vừa qua, tài khoản H.Đ.T.A đăng tải bài viết nêu quan điểm của mình về việc nên loại bỏ chứng chỉ IELTS. Cụ thể, người này kêu gọi loại bỏ bằng IELTS, đồng thời nêu ra 9 lý do nên loại bỏ chứng chỉ này gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. Cụ thể:
Đề thi chưa đánh giá được đầy đủ năng lực tiếng Anh, gây học lệch cho người thi;
Đề thi nặng về số lượng, chưa có chiều sâu;
Lệ phí thi quá cao (gần 5 triệu đồng) trong khi chứng chỉ chỉ có giá trị 2 năm;
Chi phí luyện thi có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con ôn luyện, dẫn tới bất bình đẳng giáo dục.
Việc nhiều trường tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS.
Bên cạnh đó, nhiều người nổi tiếng, chương trình truyền hình cổ súy, nâng tầm IELTS thái quá; nhiều công ty tuyển dụng bằng chứng chỉ IELTS nhưng không đủ tầm nhận định chất lượng; IELTS khắc sâu thêm tư duy nặng về bằng cấp.
Cuối cùng nên lấy mục tiêu sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là dùng chứng chỉ để khẳng định.
Bài viết của T.A hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, thu hút hàng ngàn bình luận. Trong số này có rất nhiều ý kiến tranh luận về quan điểm của bài viết này.
Một tài khoản có tên Nguyen Hien để lại bình luận: “IELTS không có lỗi mà loại bỏ nó. Lỗi là ở người dạy, dạy chỉ chú trọng dạy tủ, dạy theo chiến thuật. Lỗi là ở người học, không lấy mục tiêu thành thạo ngôn ngữ đó, mà tập trung học tủ, học mẹo để lấy điểm số cao.
Cá nhân mình thấy IELTS đánh giá năng lực của thí sinh rất chính xác. Xin nhớ là IELTS tập trung cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Xin đừng chỉ lấy tiêu chí là “giao tiếp với người bản xứ” ra để đánh giá kết quả thi đúng hay không. Một bạn đạt loại giỏi trong khóa học giao tiếp chưa chắc đã đọc – hiểu được một tài liệu học thuật hoặc nghe được một bài thuyết trình trong giảng đường đại học, hay chắc chắn là sẽ không viết được một bài luận tiếng Anh đâu”.
Tài khoản khác có tên Quảng Hà Trần cũng bày tỏ quan điểm rằng: “Cái nào cũng sẽ có mặt tích cực, tiêu cực và những vấn đề bất cập. Việc chúng ta nên là đóng góp ý kiến để cải thiện tốt chứ không phải bài trừ.
Mình là người học tiếng Đức và thấy lệ phí thi như thế này cũng không hề rẻ, nhưng nó tương ứng với giá trị của cái bằng. Bạn nói chi phí thi IELTS đắt mà giá trị chỉ được 2 năm? Điều này là tất nhiên và dễ hiểu. Chẳng có gì là một lần và mãi mãi, hay bạn muốn thi IELTS vào năm bạn 20 tuổi và năm 50 tuổi bạn cầm chứng chỉ cách đây 30 năm về trước, đem ra để nói chuyện với chúng tôi? Còn về bằng đại học không có giá trị, đó là do bạn chưa đủ giỏi để tự làm cho cái bằng đại học của bạn trở nên có giá trị thôi. Việc quy chụp phạm vi bằng cấp của Việt Nam so sánh với cái bằng được quốc tế công nhận nghe không ổn tí nào”.
“Bạn nghĩ “một người chạy đến và nói tôi giỏi tiếng Anh” và “một người có IELTS, bằng cấp rõ ràng” thì cái nào đáng tin hơn? Hơn nữa, thay vì một công ty bước đầu phải mất thời gian kiểm chứng năng lực nhân viên thì họ sẽ nhờ vào bên thứ ba (tổ chức IELTS) đánh giá thay họ”, người dùng Quảng Hà Trần nói thêm.
Không ai có thể phủ nhận sự phổ biến và những lợi ích mà IELTS đem lại cho người học trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều người có mong muốn Việt Nam loại bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ được thế giới công nhận này.
Trước ý kiến trên, Nguyễn Đức Nghĩa (20 tuổi) cảm thấy không đồng tình và cho biết: “Tuy rằng, Việt Nam hiện nay đã có VSTEP là chứng chỉ của người Việt quản lý và tổ chức thi. Nhưng, VSTEP vẫn chưa có giá trị quốc tế nên rất khó để so sánh với IELTS.
Bên cạnh đó, đánh giá năng lực tiếng Anh của IELTS và các chứng chỉ khác như TOEFL, PTE vẫn phản ánh đúng thực lực và toàn diện nhất. Bởi, các chứng chỉ Ngoại ngữ này được quản lý và vận hành bởi các quốc gia nói tiếng Anh cũng như được công nhận rộng rãi khắp thế giới. Đó là điều kiện cần để các “tấm hộ chiếu” có thể đến với những nền văn hóa mới và cả cơ hội việc làm tốt”.
Theo Đức Nghĩa, học IELTS còn giúp học sinh sử dụng tiếng Anh nhiều và hiệu quả hơn bởi toàn bộ các kỹ năng được đánh giá đều mang tính thực tiễn cao và phục vụ tốt cho công việc sau này.
“Khi học IELTS đúng cách, không chỉ kiến thức tiếng Anh mà còn cả các vấn đề xã hội, khoa học từ các bài đọc/nghe cũng được người học tiếp nhận. Ví dụ như Writing (Viết) sẽ giúp bản thân cải thiện khả năng lập luận. Kỹ năng Speaking (Nói) và Listening (Nghe) sẽ giúp tự tin hơn trong giao tiếp và tranh luận. Phần Reading (Đọc) bổ trợ quá trình đọc, tìm kiếm tài liệu tiếng Anh trong học tập”. Đó là những kinh nghiệm mà Đức Nghĩa rút ra được trong quá trình học của bản thân.
Thực tế cho thấy, chứng chỉ IELTS là một trong những chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến nhất tại Việt Nam. Đây không chỉ là một chứng chỉ tiếng Anh uy tín, có format tiêu chuẩn, được thế giới công nhận mà IELTS còn mang lại cho con người những cơ hội mới trong học tập và công việc. Chính vì vậy, việc mà chúng ta cần làm không phải là loại bỏ chứng chỉ nào đi mà là cần có một cái nhìn khách quan, chính xác về giá trị thực sự của loại chứng chỉ này.
Với hiện tượng chứng IELTS đang được “thần tượng hóa”, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên môn Tiếng Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Trước hết, cần phải làm rõ một điều đó là chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC hay VSTEP hay bất cứ chứng chỉ nào khác cũng chỉ là một công cụ để đánh giá thực lực của người sử dụng Ngoại ngữ. Cho dù nó có thể cho chúng ta một cách để đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên, nhưng không có nghĩa rằng thang đo này luôn có thể đo được chính xác thực lực về ngôn ngữ của họ.
Ví dụ, có nhiều người mặc dù có band IELTS đạt đến 6.0-6.5, là mức điểm được nhiều trường Đại học hiện nay chấp nhận để xét tuyển. Nhưng thực tế, kỹ năng của họ, đặc biệt là các kỹ năng có tính chủ động như nói và viết chỉ ở mức độ trung bình kém. Thậm chí, họ không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh trong các tình huống thực tế được. Lý do là bởi vì cách học của họ là học để nhằm mục đích thi lấy chứng chỉ chứ không phải là để phát triển kỹ năng Ngoại ngữ thực sự.
Và như vậy, ý nghĩa của việc học Ngoại ngữ sẽ bị mất đi. Vì bản chất của việc học này là để phát triển kỹ năng, nâng cao kiến thức, để sử dụng nó trong giao tiếp thực tế… Nếu chỉ học xổi, học theo mẹo và bài tủ để đạt kết quả trong kỳ thi thôi thì sau khi kết thúc bài kiểm tra, tất cả những điều học được sẽ trôi vào quên lãng”.
Ngoài ra, anh Tuấn Anh còn tâm sự, bản thân đã gặp nhiều trường hợp các bậc phụ huynh thúc ép con cái mình phải thi bằng được chứng chỉ IELTS với kết quả cao dù thực lực còn hạn chế, thậm chí ở độ tuổi chưa phù hợp như 10 tuổi, 11 tuổi. Đây thực sự là một xu hướng tiêu cực, cần được nghiêm túc thay đổi.
“Những người bố, người mẹ cần phải thay đổi suy nghĩ của bản thân về IELTS, cần tìm hiểu cẩn thận, kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cho con cái mình. Nội dung của bài thi IELTS có những nội dung yêu cầu người làm có một lượng kiến thức xã hội nhất định mới có thể làm một cách thực chất và cho ra kết quả đúng được”, anh thẳng thắn nói.
Đồng quan điểm với anh Tuấn Anh, Đức Nghĩa cũng cảm thấy vai trò định hướng và giáo dục hợp lý của phụ huynh rất quan trọng. Không những hạn chế những tác động tiêu cực về tâm lý sợ bỏ lại phía sau mà còn xác định được động cơ học tập đúng đắn cho con trẻ. Học tiếng Anh để sử dụng lâu dài, phục vụ những nhu cầu chính đáng, tránh gây lãng phí công sức và tiền bạc.
Đức Nghĩa đề xuất thêm: “Các trường đại học cần xác định lại chỗ đứng của IELTS. Đồng thời, điều chỉnh phương thức xét tuyển để các bạn không có điều kiện thi IELTS cũng có cơ hội cạnh tranh với các bạn đã có chứng chỉ. Hơn nữa, các bài đánh giá năng lực trong nước cần được cải tiến hơn, kỳ thi THPT quốc gia cần có sự phân hóa rõ ràng để giảm thiểu sự lệ thuộc vào IELTS và đánh giá thực chất hơn năng lực của thí sinh”.
FPOE (Dan Tri)